Trần Thị Thiên Trúc (sinh năm 2000) là một trong những bạn trẻ đó khi từng trúng tuyển đại học ngành Ngôn ngữ Anh nhưng từ bỏ để theo học trường nghề với lý do đơn giản hướng đến sự phù hợp với bản thân. Trúc kể, khi học THPT, em chỉ có một dự định duy nhất đó là đỗ đại học và đặt mục tiêu vào ngành Logistic. Để tăng cơ hội vào đại học, Trúc đăng ký thêm một vài ngành học và đều cùng của Trường ĐH Hàng hải Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả thi không được như kỳ vọng, Trúc trúng tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh với điểm chuẩn thấp hơn. Trúc tiếp tục theo học ngành học này một năm sau đó, tuy nhiên, trong quá trình học, em cảm nhận dù là đại học nhưng ngành học không mấy phù hợp với bản thân.
Trần Thị Thiên Trúc (sinh năm 2000) quyết định từ bỏ đại học để học nghề tại Trường CĐ Du lịch Hải Phòng. Ảnh: Thanh Hùng
Vốn là một người khá rụt rè, nhút nhát, Trúc muốn có một sự thay đổi bản thân, để được trở nên năng động, linh hoạt hơn. Suy nghĩ nhiều hôm, Trúc quyết định chọn theo học nghề và theo học ngành du lịch của Trường CĐ Du lịch Hải Phòng bởi sở thích đi du lịch và thấy tiềm năng phát triển ngành nghề trong tương lai.
“Giai đoạn đó, em cũng suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Không chỉ em, gia đình em cũng vậy. Bởi trước nay xã hội vẫn có quan niệm đỗ vào một trường đại học dù sao cũng là tốt hơn một trường nghề. Tuy nhiên, chỉ em mới biết mình phù hợp, muốn gì và môi trường nào mang lại cơ hội việc làm thực tế cho mình.
“Ngôn ngữ Anh cũng là ngành xu hướng nhưng ở đại học sẽ học nhiều kiến thức hàn lâm. Là người rụt rè, tiếp cận khối kiến thức khổng lồ đó mà không biết áp dụng ra sao vào thực tế thì em cảm thấy tiếc vì lãng phí.
Em muốn tìm cho mình một cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường được rõ ràng hơn. Em nghĩ rằng, xã hội ngày càng phát triển, ngành du lịch sẽ là một bước đệm tốt để em thay đổi bản thân cũng như có nhiều cơ hội việc làm trong tương lai".
Bố mẹ thấy Trúc bày tỏ mong muốn, nguyện vọng chính đáng nên cũng ủng hộ em.
Trúc cùng những người bạn của mình được học tập theo mô hình đào tạo thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, công ty du lịch, khách sạn do nhà trường kết nối.
“Sau 3 năm học, đến bây giờ em cảm thấy thỏa nguyện và nghĩ rằng đó là một quyết định chính xác và không hề hối tiếc”.
Trúc cho hay, quyết định học trường nghề với em không hề là một sự đi xuống trong quá trình phát triển bản thân, thậm chí lại mang đến những điều tích cực. “Môi trường nào cũng được, miễn bản thân mình cảm thấy sự phát triển, năng động hơn”.
2 năm vừa qua, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng, ngành du lịch vì thế cũng chững lại một thời gian. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi Trúc sắp sửa ra trường, dịch bệnh dần lắng xuống, ngành du lịch mở cửa trở lại, em cảm thấy cơ hội việc làm càng rộng mở trước mắt mình.
Trúc kể, trong quá trình học, em cũng được nhà trường kết nối để đi thực tập tại một số công ty du lịch, khách sạn. Qua đó tích góp được rất nhiều kinh nghiệm, kỹ năng thực tế cho mình ngoài những kiến thức được học tại trường.
Con đường đến với trường nghề cũng khác nhau. Khác với Thiên Trúc, em Đào Thu Huyền (sinh năm 1999, hiện là sinh viên ngành Kỹ thuật chế biến món ăn của Trường CĐ Du lịch Hải Phòng) lại lựa chọn học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THPT bởi sở thích và thấy triển vọng nghề nghiệp khá rõ trong tương lai.
“Em thấy ngành du lịch của nước ta hiện nay đang rất phát triển, nhất là chuyên ngành chế biến món ăn đang cần rất nhiều nhân lực để phục vụ nhu cầu du lịch và nhu cầu ăn uống ngày một nâng cao của người dân”.
Huyền cho hay, học ngành nghề nào thì cũng cần học cách chấp nhận, đối mặt với những khó khăn, vất vả riêng.
Đào Thu Huyền (sinh năm 1999, hiện là sinh viên ngành Kỹ thuật chế biến món ăn của Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng)
Với ngành chế biến món ăn, Huyền cho hay, cần có sức khỏe và sự kiên trì, sức chịu đựng. Em cũng phải làm quen với việc dầu mỡ bám đầy tay, thậm chí có khi bắn hết lên cả mặt mũi. Một áp lực khác đó là sức nóng từ bếp và khoang bếp.
Hay để có kỹ năng cầm dao và cắt thái chuyên nghiệp cũng phải mất vài tuần, có người thậm chí mất đến cả tháng để thực hành thành thạo, thao tác nhanh, hạn chế tai nạn lao động không đáng có.
“Tuy nhiên, nếu nấu ăn là sở thích thì những áp lực đó không phải là vấn đề. Nhiều khi cũng hơi vất vả nhưng bù lại mình được thỏa mãn đam mê của mình”, Huyền cười.
Kỷ niệm Huyền nhớ nhất là một lần được học trực tiếp tại doanh nghiệp mà nhà trường kết nối. Lần đó, khi đã chuẩn bị được đồ ăn cho khách rất cẩn thận, chu đáo, nhưng trong quá trình phục vụ đến khách, Huyền lại để bị rơi rớt đồ ăn.
“Lúc đó em cảm thấy rất khó xử và thấy mình thật có lỗi với khách hàng. Nhưng cũng từ bài học lần đó, em rút kinh nghiệm chỉn chu hơn trong công việc trước khi những món ăn đến tay khách hàng, không để lặp lại những sự cố tương tự.
Tuy nhiên, Huyền cho hay, cũng nhờ qua những lần được thực hành trực tiếp, trải nghiệm tại doanh nghiệp, Huyền cũng như các bạn được tiếp xúc và hiểu, nắm bắt tâm lý khách hàng nhiều hơn, cùng đó phát triển hơn kỹ năng về sau này.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nu-sinh-bo-dai-hoc-nganh-ngon-ngu-anh-de-hoc-nghe-825502.html