Nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng nhu cầu xã hội

Ngày 24/6/2016, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) đã tổ chức Hội thảo “Các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động”. Dự và chủ trì Hội thảo có Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí và Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Nguyễn Hồng Minh. Tham dự còn có bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Nghề công tác xã hội Việt Nam; PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, Nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng Quốc hội; lãnh đạo chủ chốt của 17 tỉnh có công tác dạy nghề phát triển cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế…

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Nhân lực nói chung, chất lượng nhân lực kỹ thuật trực tiếp nói riêng ngày càng trở thành nhân tố quyết định sự phát triển cũng như năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, đây là một trong 3 khâu đột phá chiến lược đã được Đảng và Nhà nước xác định trong quá trình CNH – HĐH đất nước. Đánh giá chung là tuy có nhiều cải thiện, nhưng lực lượng lao động nước ta chất lượng còn thấp với tỷ lệ lao động phổ thông, không có văn bằng chứng chỉ quá lớn, cơ cấu trình độ của lực lượng lao động hiện tại là hình thang ngược với tỷ lệ lao động có trình độ đại học quá cao. Trước đây, số lượng, tuổi lao động và giá lao động là một trong những lợi thế của nền kinh tế Việt Nam thì ngày nay, chất lượng lao động mới là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tạo ra giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. Điều này đòi hỏi chúng ta phải gấp rút nâng cao chất lượng đào tạo lao động kỹ thuật trực tiếp chứ không chỉ chú trọng vào việc tăng quy mô đào tạo.


Bộ trưởng Đào ngọc Dung phát biểu khai mạc hội thảo

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cùng với những cơ hội trong quá trình hội nhập, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, sự không đồng đều về chất lượng nhân lực trong nước. Cơ cấu trình độ đào tạo của lực lượng lao động có bằng cấp không phù hợp với yêu cầu và đi ngược lại xu thế chung của thế giới, lao động có bằng đại học quá cao so với lao động chuyên môn kỹ thuật, lành nghề. Do đó, từ kinh nghiệm dạy nghề của thế giới, thực tiễn tại địa phương, Bộ LĐ-TBXH sẽ triển khai mạnh mẽ các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TBXH) cho biết, trong năm 2015, cả nước có trên 1.400 cơ sở dạy nghề, trong đó có 45 trường được chọn để tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao vào năm 2020. Đồng thời đã phê duyệt quy hoạch các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực, quốc tế theo đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương. Các ngành nghề đào tạo đa dạng, đến nay đã có tổng số 910 nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng và trình độ trung cấp. Theo điều tra của Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề đối với các doanh nghiệp cho thấy, có 80% đến 85% số lao động  qua đào tạo nghề được sử dụng đúng trình độ đào tạo. Từ năm 2011 - 2015 đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 400 nghìn người, khoảng 86% trong tổng số đã có việc làm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước và xuất khẩu lao động...


Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề báo cáo đề dẫn tại Hội thảo 

Ông Nguyễn Hồng Minh nhận định, thời gian qua lao động qua đào tạo nghề đã đảm nhận nhiều vị trí công tác phức tạp mà trước đây do chuyên gia nước ngoài thực hiện. Khoảng 70% học sinh tìm được việc làm. Tuy nhiên, ông Minh thừa nhận đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề, về các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp. Hiện nay, chương trình đào tạo nghề ít được cập nhật, bổ sung theo sự phát triển của khoa học công nghệ, sự gắn kết doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề lỏng lẻo... Một số chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng đào tạo nghề ở Việt Nam ít theo tiêu chuẩn quốc tế, chủ yếu học lý thuyết
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, trong các giải pháp về nâng cao chất lượng dạy nghề trong thời gian tới, giải pháp “Đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp” và “Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp” là 2 giải pháp đột phá. Theo đó, chương trình, nội dung đào tạo phù hợp, linh hoạt, sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; lấy thực hành là chính, thời gian học lý thuyết tối đa 30%, thời gian thực hành từ 70% trở lên...


Chuyên gia đến từ Đức chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo

Tại Hội thảo, chuyên gia đến từ 8 nước giới đã thiệu các mô hình đào tạo nghề và khá thành công mà Việt Nam có thể học tập. Đơn cử như hệ thống đào tạo nghề của Đức với mô hình đào tạo kép đáp ứng nhu cầu xã hội gắn dạy nghề tại doanh nghiệp rất thành công, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng Giám đốc AIC thì kinh nghiệm của các nước cho thấy Việt Nam phải xây dựng hệ thống dữ liệu để dự báo được cung - cầu, nhất là cầu thị trường lao động để từ đó xác định từng ngành nghề đào tạo. Một số tỉnh thành Việt nam đã xây dựng dữ liệu, sàn giao dịch việc làm và bước đầu thành công. Do đó, Bộ LĐ-TBXH có liên kết và dữ liệu chung để xác định cung cầu thị trường lao động, từ đó có đầu tư, hình thành nghề trọng tâm phù hợp với thị trường lao động.


Quang cảnh hội thảo

Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Đào Ngọc mong muốn Chính phủ sớm xác định cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương về giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở đánh giá về hiệu quả quản lý điều hành cũng như thuận lợi cho việc gắn kết với việc làm và thị trường lao động. Đồng thời đề nghị Tổng cục Dạy nghề phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ tổng hợp các ý kiến, nghiên cứu rà soát chiến lược phát triển dạy nghề, các văn bản về dạy nghề và chuẩn bị việc sửa đổi phù hợp với yêu cầu của giai đoạn mới để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đã và đang thực hiện như chuyển giao chương trình đào tạo từ các nước phát triển, phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, phát triển hệ thống quản lý và đảm bảo chất lượng hiện đại, phát triển hệ thống kiểm định chất lượng độc lập, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đặc biệt là nâng cao tay nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển và nâng cao trình độ ngoại ngữ.