Trường cao đẳng Du lịch Hải Phòng, Địa chỉ Xã nam Sơn, Huyện An Dương, Thành phố Hải Phòng được Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo các bậc trình độ kỹ năng 1,2,3 cho các nghề: Kỹ thuật chế biến món ăn, Hướng dẫn du lịch, Dịch vụ nhà hàng, Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm).
Việc được cấp phép của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hoạt động đánh giá kỹ năng nghề quốc gia là sự khẳng định thương hiệu, chất lượng của các ngành nghề mà Nhà trường đang đào tạo. Nhà trường sẽ triển khai đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bắt đầu từ tháng 9/2020 theo đúng nghị định, thông tư hướng dẫn về việc đánh giá và cấp chứng chỉ KNN QG.
Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia
Dưới đây là những thông tin chuẩn hóa đánh giá KNN Quốc Gia:
Trong những năm qua, hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp quan tâm triển khai và đạt được những kết quả bước đầu. Khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia với 5 bậc trình độ kỹ năng được ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho việc tham chiếu với Khung trình độ quốc gia Việt Nam, thỏa thuận công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng nghề giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN và thế giới.
Các hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bắt đầu được quy định tại Luật Dạy nghề năm 2006. Để hướng dẫn triển khai xây dựng, thẩm định, ban hành tiêu chuẩn và tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, 13 năm qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật để tổ chức xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Đồng thời, xây dựng ngân hàng đề thi, thiết lập các tổ chức đánh giá, phát triển đội ngũ đánh giá viên để thực hiện đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động.
Phòng thực hành bàn- Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia
Hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đã được hình thành và có những kết quả bước đầu. Khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia với 5 bậc trình độ kỹ năng được ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho việc tham chiếu với Khung trình độ quốc gia Việt Nam, thỏa thuận công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng nghề giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN và thế giới. Hình thành hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia với 5 bậc trình độ kỹ năng và thực hiện đánh giá, công nhận kỹ năng nghề quốc gia cho một số nghề từ bậc 1 đến bậc 3 cho người lao động.
Trung tâm thực hành bar- Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia
Thông qua việc tham gia đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, người lao động và doanh nghiệp xác định được những thiếu hụt về kiến thức chuyên môn, kỹ thuật và kỹ năng thực hành công việc cũng như việc tuân thủ quy trình an toàn lao động và vệ sinh lao động, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, rèn luyện năng lực nghề nghiệp, nâng cao trình độ hoặc chuyển đổi sang công việc phù hợp. Danh mục công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của cá nhân người lao động và cộng đồng phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được ban hành sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu suất thực hiện công việc do sử dụng những người lao động có kiến thức, kỹ năng thực hiện, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn và vệ sinh lao động khi thực hiện công việc.
Thông qua việc tham gia đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, người lao động và doanh nghiệp xác định được những thiếu hụt về kiến thức chuyên môn, kỹ thuật và kỹ năng thực hành.
Phòng thực hành nghề kỹ thuật chế biến món ăn- Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia
Phương thức thực hiện việc đánh giá kỹ năng nghề quốc gia
Điều 20 Nghị định 31/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia quy định về phương thức thực hiện việc đánh giá kỹ năng nghề quốc gia như sau:
1. Đối với mỗi bậc trình độ kỹ năng của một nghề, có một ban giám khảo do người đứng đầu tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quyết định lựa chọn để thực hiện việc đánh giá kỹ năng nghề của người tham dự. Tiêu chuẩn, số lượng thành viên, thành phần và nhiệm vụ của ban giám khảo như sau:
– Thành viên của ban giám khảo là những người đã được cấp thẻ đánh giá viên theo quy định tại Nghị định 31/2015/NĐ-CP;
– Số lượng thành viên ban giám khảo tùy thuộc vào yêu cầu của từng bậc trình độ kỹ năng của mỗi nghề và số lượng người tham dự tại mỗi kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia để quyết định, nhưng ít nhất phải có từ 03 (ba) người trở lên;
– Thành phần ban giám khảo gồm có trưởng ban và các thành viên. Cơ cấu thành phần của ban giám khảo phải bảo đảm có thành phần là người làm việc chính thức tại tổ chức đánh giá kỹ năng nghề; người của doanh nghiệp hoặc hội nghề nghiệp; người của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học hoặc tổ chức khoa học và công nghệ, Trong đó số người làm việc chính thức tại tổ chức đánh giá kỹ năng nghề, không vượt quá 1/3 (một phần ba) số lượng thành viên ban giám khảo;
– Ban giám khảo có nhiệm vụ thực hiện việc đánh giá kiến thức chuyên môn, kỹ thuật; kỹ năng thực hành công việc và quy trình an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người tham dự theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Nghị định 31/2015/NĐ-CP.
2. Đối với mỗi bậc trình độ kỹ năng của một nghề việc đánh giá kiến thức chuyên môn, kỹ thuật của người tham dự được thực hiện thông qua bài kiểm tra kiến thức theo một trong các hình thức sau đây:
– Kiểm tra trắc nghiệm trên giấy hoặc trên máy tính với các câu hỏi đúng (sai);
– Kiểm tra trắc nghiệm trên giấy hoặc trên máy tính với các câu hỏi đúng (sai) và câu hỏi có nhiều sự lựa chọn;
– Kiểm tra trắc nghiệm trên giấy hoặc trên máy tính với các câu hỏi có nhiều sự lựa chọn;
– Kiểm tra trắc nghiệm trên giấy hoặc trên máy tính với các câu hỏi nhiều sự lựa chọn kết hợp với kiểm tra viết trên giấy với các câu hỏi tự luận;
– Kiểm tra viết trên giấy với các câu hỏi tự luận.
3. Đối với mỗi bậc trình độ kỹ năng của một nghề việc đánh giá kỹ năng thực hành công việc và tuân thủ quy trình an toàn lao động, vệ sinh lao động của người tham dự được thực hiện thông qua bài kiểm tra thực hành theo một trong các hình thức sau đây:
– Kiểm tra thực hiện công việc thông qua việc thao tác trên phương tiện, thiết bị, công cụ;
– Kiểm tra thực hiện công việc thông qua việc tác nghiệp trên giấy để xử lý, giải quyết các tình huống;
– Kiểm tra thực hiện công việc thông qua việc thao tác trên phương tiện, thiết bị, công cụ kết hợp với kiểm tra thực hiện công việc thông qua việc tác nghiệp trên giấy để xử lý, giải quyết các tình huống.
4. Căn cứ vào tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của các nghề đã được công bố, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức biên soạn các bài kiểm tra kiến thức, bài kiểm tra thực hành quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 20 Nghị định 31/2015/NĐ-CP theo từng bậc trình độ kỹ năng nghề của từng nghề; quản lý và thiết lập ngân hàng đề thi để cung cấp cho các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề sử dụng trong các kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.