Học liên thông - cơ hội và lợi thế

          Hiếu học, trọng danh là những phẩm chất, tính cách  định hình nên con người Á đông. Nhu cầu học và mong muốn sở hữu những bằng cấp cao là nhu cầu thực tế, rất đáng trân trọng. Và vì vậy trước rất nhiều chọn lựa không ít bạn trẻ đã lựa chọn cho mình con đường đại học và phải vào đại học, coi đó là con đường duy nhất để sở hữu kiến thức, kỹ năng và bằng cấp có giá trị. Sự lựa chọn đó cũng không phải không có lý do và căn nguyên của nó. Điều này càng có cơ sở hơn nếu chúng ta dời mốc thời gian về thời điểm của những năm 90 của thế kỷ trước. Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập nhu cầu về nguồn nhân lực cũng như cơ hội việc làm, sự thăng tiến trong công việc  đã tạo nên “cơn sốt”  đại học và vào đại học. Tâm lý đó đã tồn tại và vẫn còn sức ảnh hưởng đến tận ngày nay. Song cũng cần nhìn nhận khách quan, xu hướng, tâm lý cũng như nhận thức về vấn đề này đã có nhiều thay đổi ở giai đoạn hiện nay. Trong bối cảnh hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng ở nước ta đã và đang có sự chuyển biến về cả quy mô, cách thức, loại hình đào tạo. Người học thay vì chỉ được phép chọn đã chuyển dần sang được chọn những ngành, những trường và những hình thức đào tạo mà mình mong muốn. Hình thức đào tạo liên thông được ra đời trong bối cảnh đó, ở đây để tiện cho việc hình dung chúng tôi gọi loại hình đào tạo này là đào tạo đại học hai giai đoạn. Vậy loại hình đào tạo này có gì khác? tại sao cần đến loại hình này? Ưu điểm và nhược điểm của nó là gì?.. là những câu hỏi không phải bây giờ mới đặt ra và nó đã được nhiều nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục trả lời vì vậy thay vì trả lời những câu hỏi đã rất quen chung tôi thử so sánh những điểm mạnh của loại hình đào tạo đại học này với loại hình truyền thống hy vọng có thể góp thêm những thông tin để giúp người học chọn được hướng đi phù hợp nhất.

1. VỀ THỜI GIAN
         Với nhiều bạn trẻ Đây là lo lắng có lẽ là đầu tiên mang tính thường trực khi cân nhắc hai hình thức đào tạo. Điều này là một thực tế bởi suy cho cùng thời gian là tiền bạc và hơn thế nó còn là cơ hội. Tuy nhiên với quy định mới nhất của Chính phủ về đào tạo đại học, trung cấp, cao đẳng và liên thông hiện nay, tổng quỹ thời gian cho việc học đại học theo hình thức truyền thống và việc học đại học theo hình thức liên thông (Đại học 2 giai đoạn) đã không còn sự khác biệt. Cụ thể người học mất 2,5 năm cho việc học cao đẳng và 1,5 năm cho việc liên thông lên đại học cùng chuyên ngành. Như vậy con số 4 năm không có sự khác biệt giữa các cử nhân tốt nghiệp đại học ở cả hai hình thức. Về điểm này hai hình thức có lợi thế ngang nhau.
2. VỀ CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP
         Đây là điểm mấu chốt và quan trọng nhất - ít nhất là trong giai đoạn hiện nay, đối với một sinh viên được đào tạo ở Việt Nam. Bởi trước những con số thống kê về tỉ lệ sinh viên thất nghiệp khi ra trường thì ngay cả những người lạc quan nhất cũng không thể ngồi yên (theo thống kê do Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội  (được công bố ngày 24/12/2015) Theo đó tỷ lệ sinh viên thất nghiệp trong quý 3 năm 2015 như sau:

                                  1 Đại học và sau đại học 225,5 nghìn người
                                  2 Cao đẳng chuyên nghiệp 117,3 nghìn người
                                  3 Cao đẳng nghề 15,1 nghìn người
                                  4 Trung cấp nghề 23 nghìn người

Nhìn từ góc độ này những sinh viên xuất phát từ loại hình đào tạo cao đẳng có lợi thế hơn đặc biệt là hệ cao đẳng nghề khi số lượng người thất nghiệp không lớn. 

Biểu đồ thống kê quý 3 năm 2015 cho thấy
số lao động trình độ đại học thất nghiệp nhiều hơn hẳn các trình độ cao đẳng…
Đơn vị tính: Nghìn người. (nguồn Báo Tiền phong)

3. VỀ SỰ LINH HOẠT VÀ TÍNH CHỦ ĐỘNG
        Ở đây, việc tách các tiêu chí chỉ mang tính hình thức bởi trên thực tế các tiêu chí nêu ra ở đây đều có mối liên quan tác động lẫn nhau. Nhìn từ góc độ linh hoạt và chủ động ưu thế rõ ràng thuộc về hình thức đào tạo đại học hai giai đoạn bởi:
- Người học hoàn toàn có thể chủ động về việc mình có cần thiết và tiếp tục với công việc hiện tại nhưng ở một trình độ cao hơn hay không (trong rất nhiều trường hợp với đòi hỏi của công việc thực tế chỉ cần đến trình độ cao đẳng là đủ) việc nâng cấp chỉ diễn ra khi người học có nhu cầu và vì vậy người học đã chủ động xây dựng kế hoạch mục tiêu cụ thể cũng như tâm thế cho việc học của mình. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi rất nhiều sinh viên được hỏi chưa xác định rõ mục tiêu học tập của mình là gì.
- Người học có thể chủ động hoạch định phân bổ thời gian nguồn lực và lựa chọn thời điểm để tiến hành nâng cao trình độ của mình. Vì trên thực tế việc lo cho con học xong đại học đã từng là nỗi ám ảnh của rất nhiều gia đình con số 4 năm vì thế là một lý do rất đáng cân nhắc. Việc vừa học vừa làm thậm chí nhiều cơ sở cho phép đào tạo vào những ngày nhất định trong tuần (thường là những ngày cuối tuần) vì thế đã trở thành một cứu cánh, một sự lựa chọn tuyệt vời đối với người học.
- Tính linh hoạt và chủ động còn thể hiện rõ khi người học có thể lựa chọn những chuyên ngành gần phù hợp nhất với công việc hiện tại và mục đích của mình. Thay vì phải chọn lựa ngay từ đầu người học có thể dễ dàng chuyển đổi bằng cách hoàn thành không nhiều những môn học chuyển đổi để đáp ứng đủ tiêu chuẩn với một chuyên ngành mới. Điều này có ý nghĩa rất lớn vì việc lường trước và lựa chọn một chuyên ngành phù hợp khi học với công việc bạn có được khi ra trường không phải lúc nào cũng trùng khớp, theo ý muốn. 
4. TÍNH KINH TẾ
        Đây cũng là một yếu tố quan trọng khi cân nhắc lựa chọn giữ hai hình thức đào tạo bởi số tiền chi cho việc học trong suốt quá trình học là một con số không nhỏ xét từ mức thu nhập bình quân cũng như điều kiện kinh tế của nhiều gia đình. Với những điều chỉnh về đào tạo nguồn nhân lực cũng như chính sách hỗ trợ hoạt động đào tạo nghề của Chính Phủ. Người học được hưởng rất nhiều ưu đãi về kinh tế từ những điều chỉnh này ( mức bình quân học phí đại học (công lập) thống kê năm 2015 là 13 triệu đồng / năm so với mức bình quân hệ cao đẳng là 6,5 triệu đồng / năm)) với 2,5 năm học cao đẳng rõ ràng người học đã tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ thay vì phải lựa chọn học đại học ngay từ lúc đầu.
        Trên đây là một vài so sánh dựa trên những tiêu chí tiêu biểu là mối quan tâm của nhiều người học khi lựa chọn ngành nghề hình thức đào tạo. Tuy nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng và đây cũng chỉ là những so sánh mang tính chủ quan. Việc xây dựng hình thức đào tạo trước hết đã dựa trên những cơ sở khoa học đã tính đến việc phân luồng, tuyến, nguồn nhân lực... Việc đưa ra những điểm mạnh, ưu thế của hai hình thức trên đây chỉ có tính giai đoạn trong bối cảnh “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay cũng như việc lựa chọn ngành, nghề, hình thức đào tạo của nhiều người còn mang nặng cảm tính, thụ động, dựa theo phong trào và “tâm lý số đông”. Hy vọng những so sánh trên đây sẽ góp thêm thông tin để người học trước ngưỡng cửa chọn trường chọn ngành, chọn hình thức đào tạo có thêm thông tin tham khảo để đưa ra những quyết định đúng đắn. Thành công có thể đến bằng rất nhiều con đường quan trọng là bạn tìm được con đường đi thích hợp nhất với mình mà thôi. Chúc các bạn thành công.


Hoàng Tú Ân

 

THAM KHẢO
1. http://news.zing.vn/muc-hoc-phi-binh-quan-cua-truong-dai-hoc-la-13-trieu-dong-post686223.html
2. http://www.tienphong.vn/giao-duc/doanh-nghiep-khat-lao-dong-sinh-vien-van-that-nghiep-tai-sao-1026484.tpo