DU LỊCH TRỰC TUYẾN THỜI ĐẠI 4.0 LÊN NGÔI

Thương mại điện tử đang phát triển lớn mạnh trong lĩnh vực du lịch, hướng đến cung cấp các dịch vụ du lịch một cách thuận tiện nhất, với giá hợp lí nhất. Thời đại 4.0 đã giúp chúng ta làm mọi việc một cách dễ dàng hơn. Cũng vậy, thời đại công nghệ đã giúp cho việc đi du lịch trở nên dễ dàng chỉ với “một cái lướt tay”.
Đi du lịch dễ dàng
Không mất nhiều thời gian như việc mua tour truyền thống (gặp nhân viên tư vấn, mua tour trực tiếp), chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hay một chiếc laptop, chúng ta có thể tra thông tin các tour, các điểm đến, đặt mua dịch vụ, thanh toán online, chính sách dịch vụ thông báo công khai. Chẳng hạn như, mức giá cuối cùng phải trả, chính sách trả phòng được hủy miễn phí hay không,… Thậm chí, khi có mặt tại khu vui chơi, chúng ta không cần xếp hàng mua vé mà có thể vào cổng trực tiếp bằng vouch điện tử.
Bên cạnh đó, các trang mạng bán tour trực tuyến thường có chương trình khuyến mãi giảm giá các điểm đến, vé máy bay của nhiều hãng, phong phú compo cho khách lựa chọn từ vé máy bay đến vouch ăn uống,…
Chúng ta cũng có thể tham khảo trước sự trải nghiệm của những người nổi tiếng, những travel bloger,… Việc đi, trải nghiệm và chia sẻ những trải nghiệm qua mạng internet đã tạo nên một môi trường để những những người đam mê du lịch cùng giao lưu, kết nối. Những chia sẻ đó như một cuốn cẩm nang rất chân thực giúp chúng ta có những lựa chọn tốt nhất cho chuyến đi của mình.
Nhiều trang bán hàng trực tuyến chuyên về du lịch như Klook, Traveloka, Agoda, Booking,.. cho phép chúng ta có thể đặt mua từng dịch vụ riêng biệt như đặt phòng nghỉ, vé máy bay khứ hồi,.. chứ không nhất thiết phải mua một tour du lịch trọn gói.
Với tỉ lệ người sử dụng điện thoại thông minh cao ở nước ta (72%) cùng với những tiện ích mà xu hướng mới này mang lạ, việc đặt mua dịch vụ du lịch trực tuyến đang được nhiều người lựa chọn.
Công nghệ phát triển như vũ bão
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang cho biết, du khách hiện nay đang thay đổi xu hướng đặt dịch vụ, thay vì mua tour truyền thống thì chuyển sang đặt mua trực tuyến.
Bà Huỳnh Bích Trâm, Phó Giám đốc Bộ phận Giải pháp Đo lường, Bán lẻ Công ty Nielsen Việt Nam (Tập đoàn Nielsen) cho biết: Từ báo cáo của Nielsen, khách hàng tham khảo thông tin qua mạng xã hội chiếm khoảng 60% và khoảng 48% từ lời khuyên gia đình, bạn bè. Mạng xã hội đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định hành vi của người tiêu dùng.
Đồng quan điểm trên, bà Jenifer Châu – Giám đốc kinh doanh Facebook Việt Nam cho biết, trước, người dân tiếp cận thông tin thông qua báo, đài, truyền hình và thường đến tận công ty du lịch để đặt tour hoặc thông qua điện thoại. Ngày nay, hầu hết người tiêu dùng đều có điện thoại thông minh và tìm thông tin trên đó thông qua mạng xã hội, app điện thoại.
Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch Việt Nam) dẫn chứng (từ số liệu của các đơn vị khảo sát độc lập nước ngoài), có trên 70% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên Internet, 64% đặt chỗ, mua dịch vụ trực tuyến khi tham quan, du lịch Việt Nam.
Về phía các doanh nghiệp, hiện không ít doanh nghiệp du lịch đã nhạy bén nắm bắt xu hướng mới, áp dụng internet và mạng xã hội để tiếp cận khách hàng. Tugo.com.vn – sàn du lịch trực tuyến dùng công nghệ thông tin để quản lý thông tin khách hàng và việc đặt vé, đã thông qua Facebook, Youtube, Zalo… để tiếp cận khách hàng trên mọi phương diện, trong đó Facebook chiếm 70%.
Ông Nguyễn Duy Vĩ, Giám đốc tiếp thị Công ty Du lịch Tugo, cho biết công ty kinh doanh 100% trực tuyến và khoảng 30% khách hàng chuyển hướng thanh toán bằng chuyển khoản cho công ty, thay vì thanh toán trực tiếp như trước đây.
Cũng vậy, nhiều doanh nghiệp tên tuổi, quy mô lớn đã có sự đầu tư nhiều hơn cho hình thức bán hàng online. Saigontourist chia sẻ, doanh thu kinh doanh trực tuyến mỗi năm của công ty đạt hàng trăm tỷ đồng.
Hiện Việt Nam đã có hơn 50 doanh nghiệp áp dụng dịch vụ du lịch trực tuyến và 10 sàn giao dịch điện tử. Tuy nhiên các sàn giao dịch điện tử trong nước mới chỉ chiếm khoảng 20% giao dịch các dịch vụ, còn lại là các sàn giao dịch nước ngoài thực hiện.
Hình thức đặt mua dịch vụ du lịch trực tuyến là mảng du lịch cực kì tiềm năng những vẫn còn nhiều thách thức đối với đại đa số các doanh nghiệp lữ hành nội địa, vì liên quan đến tiềm lực kinh tế để có thể tiếp cận công nghệ mới, các khuôn khổ pháp lí, cơ sở kết nối dữ liệu,…
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Do vậy, trong khoảng 10 năm tới, độ tuổi trung niên sử dụng công nghệ sẽ dần thay thế độ tuổi già hiện nay và du lịch trực tuyến được xem là xu hướng phát triển theo chính yêu cầu của người tiêu dùng.
Theo dự báo, trong giai đoạn từ 2018 đến 2020, tốc độ tăng trưởng của du lịch trực tuyến lên tới 50%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung của thương mại điện tử.
Theo ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển lớn mạnh của thương mại điện tử toàn cầu trong đó có lĩnh vực du lịch, hướng tới cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho khách hàng một cách thuận lợi nhất, chi phí thấp nhất. Đó chính là biểu hiện rõ rệt nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam đang phát triển kinh tế mạnh mẽ và rõ ràng không thể đứng ngoài cuộc.

Trâm Huyền

Nguồn (http://baodulich.net.vn/Du-lich-truc-tuyen-thoi-dai-40-len-ngoi-09-19049.html)