THẨM ĐỊNH VÀ TIẾP NHẬN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CHUYÊN NGÀNH KHÁCH SẠN CỦA ĐỨC

Chiều ngày 20/12/2017 tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả chuyển giao, kiểm định và công nhận 22 bộ chương trình cho 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế từ Cộng hòa Liên bang Đức. Tham dự buổi hội nghị có Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; đại diện tập đoàn đào tạo AVESTOS, đại diện 22 hội đồng chuyên môn tiếp nhận và thẩm định của 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế cùng sự chứng kiến của các đại biểu thành viên văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành.


Ký kết, tiếp nhận chuyển giao 22 bộ chương trình

Nền giáo dục của Đức được xem là nền giáo dục mang tính cách thực tiễn, Với nguyên tắc cơ bản là khuyến khích tiềm lực từ người học, các trường học ở Đức luôn hướng tới việc mở rộng quan hệ hợp tác, tăng các chương trình học trao đổi, chương trình đào tạo Quốc tế nhằm tạo danh tiếng và nâng giá trị văn bằng tốt nghiệp. Nhờ đó các chương trình đào tạo ở Đức rất phong phú, đa dạng và rất cởi mở.
Hệ thống giáo dục Đức là một hệ thống mở, học sinh có thể thay đổi loại hinh đào tạo, chương trình học theo khả năng của bản thân. Học sinh có thể tham gia chương trình đào tạo kép, kết hợp giữa học kiến thức và làm việc thực hành tại các doanh nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ cả kiển thức lẫn kỹ năng để tìm được một công việc tốt trong tương lai.

Ông Phạm Văn Long  - Hiệu Trưởng Trường CDDL Hải Phòng
tại buổi lễ chuyển giao chương trình nghề trọng điểm từ CHLB Đức

Phát biểu hội nghị Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá cao sự hợp tác giúp đỡ của Chính phủ Công hòa Liên bang Đức đối với giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam và nhấn mạnh sẽ sử dụng hiệu quả 22 bộ chương trình cho 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế vào thực tế dạy nghề Việt Nam nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Trường Cao đẳng du lịch Hải Phòng là một trong số ít những trường được nhà nước lựa chọn đầu tư trọng điểm. Hướng tới mục tiêu hội nhập và nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với chuẩn quốc tế. Nhà trường đã có những bước triển khai cụ thể mang đến cho người học những chương trình giáo dục tiên tiến nhất. Gắn việc học với thực tiễn thông qua  mô hình đào tạo kép kết hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp đã được nhà trường triển khai từ nhiều năm nay và bước đầu đã mang đến những kết quả đáng đáng khích lệ được người học, doanh nghiệp và xã hội đánh giá cao.

Hoàng Tú Ân (tổng hợp)