Trong chương trình giao lưu Chào tân sinh viên K13, ông Hoàng Tuấn Anh - Chủ tịch Hội Lữ hành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng đã cởi mở chia sẻ những tố chất của người làm du lịch dịch vụ. Từ kinh nghiệm thực tế của người làm công tác quản lý Nhà nước đến quản trị điều hành doanh nghiệp du lịch dịch vụ, sáng tạo và đam mê đưa doanh nghiệp vượt qua đại dịch, ông đã trao cho Tân sinh viên chiếc chìa khóa vàng giúp mở ra từng cánh cửa, bồi đắp, hoàn thiện bản thân mỗi cá nhân để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của ngành nghề và tiến tới thành công trong nghề mà các em đã lựa chọn.
Ông Hoàng Tuấn Anh - Chủ tịch Hội Lữ hành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng
1. Có duyên nghề
Khi bạn chọn nghề du lịch ở độ tuổi này (chắc các bạn có duyên).
Bạn không nên quan niệm rằng du lịch chỉ dành cho những người xinh đẹp.
Trong du lịch, người ta cần người có “duyên nghề” nhiều hơn là người đẹp.
Tác phong linh hoạt, sống động, vẻ mặt tươi tắn, thân thiện, ánh mắt biểu cảm, thái độ giúp đỡ, quan tâm, kiến thức vững vàng, ứng xử thông minh, khéo léo... sẽ khiến áp lực về một vẻ ngoài không được tự tin của bạn trở thành... chuyện nhỏ.
2. Tập cho mình thói quen nhạy cảm
Quan sát, quan tâm đến những người xung quanh, hay đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để thông cảm và chia sẻ nỗi buồn, nhân lên niềm vui, để nắm bắt ý nghĩ và tình cảm của người khác, ứng xử một cách “tâm lý”, biết lắng nghe nhiều hơn, và biết im lặng khi cần thiết...
Một người làm trong ngành du lịch, thường xuyên phải tiếp xúc với khách mà thiếu nhạy cảm sẽ rất dễ “vô duyên” trong giao tiếp, ứng xử, thiếu linh hoạt trong công việc nên kém hiệu quả, không “lấy” được tình cảm của khách, càng không thể hướng họ đến với sự hài lòng một cách tự nhiên.
Sinh viên K13- HCT sôi nổi, hào hứng tham gia chương trình giao lưu
3. Tập cho mình tính hoạt ngôn, sự tự tin, linh hoạt để diễn đạt biểu cảm.
Từ hoạt ngôn dành cho những người “mau mồm mau miệng”, khéo léo trong lời ăn tiếng nói, tự nhiên trong hành văn.
Đây không hoàn toàn là năng khiếu có tính chất bẩm sinh. Bởi vì ngoài chất giọng tốt, khả năng tư duy nhanh, sáng thì những gì bạn thể hiện ra thành ngôn từ còn mang đậm dấu ấn xã hội. Điều này nghĩa là bạn có thể học tập, rèn luyện kỹ năng “nói”.
Bạn phải học cách nói sao cho hấp dẫn, lôi cuốn người nghe một cách tự nhiên, truyền cảm dù là sử dụng ngôn ngữ nào.
Hãy học cách phân tích được rõ ràng vấn đề tìm được nguyên nhân hay nhân tố cơ bản của vấn đề, thuyết minh được phương án giải quyết vấn đề một cách phù hợp nhất.
Tuy nhiên, chỉ “lợi ngôn” thì chưa đủ, cẩn thận, kẻo bạn là hình ảnh trong câu nói “chỉ được cái khéo mồm” đấy.
4. Bồi đắp cho mình một phông kiến thức rộng rãi
Nghề du lịch trong rất nhiều nội dung công việc đòi hỏi sự hiểu rộng, biết nhiều, nhất là khi bạn trở thành người quản lý hay hướng dẫn viên du lịch. Vì vậy, quan tâm sâu cũng sẽ rất cần, nhưng bạn nên quan tâm rộng trước tiên. Tức là bạn cần có một “phông” kiến thức rộng rãi và phong phú. Bạn cần am hiểu về lịch sử, địa lý, con người, ẩm thực, văn hóa, phong tục tập quán của từng địa phương. Có như vậy bạn mới giới thiệu hết được những nét hay, đẹp đặc sắc của từng vùng, miền, danh thắng với khách du lịch.
Hiểu biết nhiều khiến bạn dễ chủ quan rằng mình đã “biết tuốt”, nên phải thận trọng, bởi “lời nói ra không lấy lại được”. Hãy luôn rèn luyện khả năng “lắng nghe”, đồng thời không ngừng trau dồi tri thức.
Sinh viên lớp CHD13 chuyên ngành Hướng dẫn du lịch tập trung lắng nghe những chia sẻ trong chương trình giao lưu
5. Tập cho mình tính hài hước.
Trong những việc hệ trọng như chọn bạn đời cả hai giới đều coi tính hài hước, sự lạc quan là một trong những tiêu chí để đảm bảo hạnh phúc lứa đôi. Vậy, trong “nghề du lịch”, đặc biệt là những công việc tiếp xúc với khách hàng, giao tiếp công chúng, lẽ nào lại thiếu “óc hài hước”?
Hài hước giúp bạn rút ngắn khoảng cách xa lạ giữa bạn và khách, giúp bạn có một hình ảnh dễ mến và thân thiện trong con mắt của mọi người, giúp chính bạn tự tin hơn khi tác nghiệp và phủ lấp cả những khiếm khuyết về ứng xử, giao tiếp hay lỗi kiến thức:..
Tuy vậy, đó cũng là con dao hai lưỡi. Lạm dụng sự “hài hước” trong công việc và ứng xử xã giao có thể dẫn đến sự thiếu tôn trọng khách, vô tình xúc phạm khách hay biểu hiện quá trớn. Ngược lại, bạn cũng không còn được tôn trọng nữa.
6. Rèn luyện tính kiên nhẫn
Nhiều người không ưa sự nhàm chán trong công việc nên tìm đến với du lịch. Sau những ấn tượng ban đầu, họ chợt nhận ra một sự nhàm chán khác xuất hiện. Đó là sự lặp lại của quy trình, tổ chức thực hiện “tua”, tuyến điểm, các quy định lễ nghi... Nên bạn sẽ khó trụ lại nghề nếu không có sự kiên nhẫn. Điều quan trọng là bạn phải biết tự làm mới bản thân và công việc của mình.
Chương trình giao lưu còn có sự tham gia của các thầy cô HCT
8. Rèn luyện tính độc lập
Nếu bạn là khách trong một chuyến du lịch, quan sát hướng dẫn viên, bạn sẽ khâm phục họ vì khả năng làm việc độc lập, đặc biệt trong những tình huống khó khăn. Họ không những lo cho mình, mà cả đoàn khách, và nhiều vấn đề khác. Ngoài những giao dịch cần thiết, phần nhiều thời gian, hướng dẫn viên phải làm việc và quyết định độc lập. Vì thế, nếu bạn đã chọn du lịch, hãy tập cho mình thói quen suy nghĩ và làm việc tự chủ ngay từ bây giờ.
9. Yêu nghề
Chỉ thực sự lòng yêu nghề mới giúp ta vượt qua tất cả.
10. Thái độ làm việc
Thái độ làm việc chuyên nghiệp, chính xác và tích cực là chìa khóa quan trọng nhất giúp chúng ta tiến tới thành công. Bởi vì ở cùng mức độ không quan trọng, thái độ trong khi làm việc mới là yếu tố tạo nên sự khác biệt.
Một khảo sát gần đây của Anphabe cho thấy: Thái độ làm việc tích cực quyết định tới 70% các yếu tố quyết định sự thành công trong công việc, 26% thuộc về yếu tố kỹ năng và kiến thức chỉ chiếm có 4%.
Thái độ làm việc tích cực là thể hiện sự ham học hỏi, năng động, chăm chỉ, nhiệt tình, tận tâm làm việc, có tinh thần đồng đội, sẵn sàng ứng phó với các tình huống công việc, bằng lòng với những gì đang có, có chí tiến thủ vươn xa.
Đã bao giờ bạn đặt câu hỏi rằng tại sao có những người phát triển rất nhanh ở nơi làm việc, trong khi ta chỉ mãi dẫm chân tại chỗ thế này? Nếu bạn đang ở trong tình trạng đó thì hãy nên nhìn lại thái độ làm việc của mình.
Mọi sự đổ lỗi cho đồng nghiệp, né tránh trách nhiệm, đầu hàng trước khó khăn… chính là thể hiện một thái độ thiếu tích cực đối với công việc mình đang đảm nhận. Và như vậy, cho dù làm việc ở bất cứ môi trường nào, bạn sẽ không bao giờ đạt được thành công.
Tố Như tổng hợp