Nhờ chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tế

Năm 2017, lần đầu, hệ trung cấp nghề trên địa bàn thành phố tuyển sinh đạt kết quả cao 202% so với kế hoạch năm. Đây là tín hiệu khả quan trong công tác dạy nghề.

Nhiều chính sách khuyến khích

      Theo số liệu của Phòng Dạy nghề (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội), năm 2017, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tuyển sinh được hơn 5000 học sinh hệ trung cấp, đạt 202% kế hoạch năm. Nhiều trường cao đẳng, trung cấp tuyển đạt và vượt chỉ tiêu năm học. Về sự “đột phá” này, Trưởng Phòng Dạy nghề Nguyễn Thị Ngân cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các chính sách khuyến khích học nghề động viên và tạo điều kiện cho người học rất nhiều.

Sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng thực hành nghề kỹ thuật chế biến món ăn.

Sinh viên Trường cao đẳng VMU thực hành nghề điện.

      Đơn cử như quy định tại Nghị định số 86/2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 “người tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp (bao gồm cả học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp được miễn học phí”. Đây là sự hỗ trợ đáng kể về kinh phí, bởi nếu học phí của 1 năm học hệ trung cấp nghề cũng tới 3-5 triệu đồng. Phần lớn những học sinh học nghề có hoàn cảnh không mấy khá giả, nên việc miễn phí học nghề giúp nhiều học sinh có cơ hội học tập. Thêm nữa, theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp, được thực hiện đầy đủ từ năm 2017, học sinh THCS học trung cấp có thể lựa chọn không học văn hóa mà chỉ học chuyên môn. Đây là một trong những điểm mới trong kỳ tuyển sinh cao đẳng, trung cấp năm 2017. Quy định này giúp học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký học trung cấp có nhiều lựa chọn hơn. Các em chỉ học chuyên môn, để ra trường có thể đi làm ngay. Song với những em có nhu cầu học liên thông lên trình độ cao đẳng vẫn có thể lựa chọn vừa học văn hóa, vừa học nghề. Nếu học song song, khi ra trường, các em có đồng thời 2 bằng: bằng trung cấp nghề và bằng văn hóa. Quy định này thực sự “thoáng”, đáp ứng nhu cầu của học sinh, nhất là học sinh chỉ cần học nghề.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ, năng động
      Bên cạnh các chính sách hỗ trợ về học nghề, cũng ghi nhận năm 2017, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát huy tinh thần tự chủ, năng động hơn. Thầy Phạm Văn Quang, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thủy sản cho biết: “Năm 2017 là năm đầu thực hiện đầy đủ Luật Giáo dục nghề nghiệp, cũng là năm các trường được tăng tính tự chủ, chủ động trong tuyển sinh, bố trí sắp xếp chương trình học theo khả năng, năng lực của nhà trường, do đó phát huy được thế mạnh cũng như sự năng động của mỗi trường”. Năm 2017, nhà trường tuyển sinh được hơn 750 học sinh, sinh viên, vượt gần 10% so với chỉ tiêu đề ra, trong đó hệ trung cấp chiếm phần lớn. Đây là một trong số ít trường cao đẳng, trung cấp có số lượng tuyển sinh ổn định, thường xuyên đạt và vượt chỉ tiêu nhiều năm. Thầy Phạm Văn Quang cho rằng, ngoài cơ chế khuyến khích học nghề, xã hội có sự chuyển biến nhận thức về học nghề theo hướng tích cực hơn thì quan trọng vẫn là chất lượng đào tạo của nhà trường với việc học để “ra nghề làm được việc”.
      Tại trường Cao đẳng du lịch Hải Phòng, năm 2017 cũng đạt chỉ tiêu tuyển sinh khá cả ở hệ trung cấp. Nhà trường chú trọng xây dựng thương hiệu, tích cực tiếp cận học sinh với nhiều hình thức từ sử dụng mạng xã hội đến tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tham quan tại trường cho học sinh THPT, THCS. Trưởng Ban tuyển sinh Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng Phạm Văn Tưởng cho biết, bên cạnh thu hút học sinh học tại trường, đưa học sinh đào tạo tại doanh nghiệp, nhà trường cũng chú ý liên kết với các cơ sở, doanh nghiệp tổ chức các lớp trung cấp, sơ cấp nghề đào tạo tại chỗ theo yêu cầu. Trường cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 2 phối hợp với doanh nghiệp đóng tàu mở lớp tại doanh nghiệp nhằm tiết kiệm thời gian đi lại và giúp công nhân có thể học tập trong ngày nghỉ.
      Vấn đề “sống còn” của cơ sở giáo dục nghề nghiệp chính là việc tuyển sinh. Muốn tuyển sinh được, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng giảng dạy, đào tạo nghề. Bên cạnh các cơ chế, chính sách của nhà nước, đặc biệt trong thực tế thị trường lao động hiện nay đào tạo nghề có sự cạnh tranh quyết liệt với giáo dục đại học và chuyên nghiệp, rất cần sự chủ động, năng động của các cơ sở để tăng số lượng lao động được đào tạo nghề cung cấp cho thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài thành phố.
Theo 
http://www.baohaiphong.com.vn                                                                         Bài và ảnh Huyền Chi