HỘI THẢO TIÊU CHUẨN KỸ NĂNG NGHỀ QUỐC GIA

Sáng nay 20/12/2018, Tại trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng đã tổ chức Hội thảo “ Lấy ý kiến về Bản dự thảo Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc Gia, Nghề Quản trị Lữ hành và Nghề Dịch vụ Nhà Hàng”


Toàn cảnh hội nghị

Chủ trì Hội thảo PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng-Vụ đào tạo - Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch và phía nhà trường có Ban giám Hiệu, Phòng chức năng và Khoa chuyên môn tham dự.


PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng-Vụ đào tạo

Đến dự Hội thảo và có ý kiến trực tiếp Bản dự thảo là các lãnh đạo công ty du lịch khách sạn: Công ty Du lịch Sài Gòn Tourist,  Công ty  Du lịch và Thể thao Tây Á, Công ty Du lịch Hoa Phượng, Cty Du lịch Hải Phong - HP Tour, Khách sạn M-Gallery, Khách sạn Avani Hotel Hải Phòng, Khách sạn Draco Thăng Long, Khách sạn Level,....


Chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị

Tại Hội thảo đã thảo luận chi tiết về các vị trí việc làm và danh mục các đơn vị năng lực của Nghề Quản trị Lữ hành và Nghề Dịch vụ Nhà Hàng. Dưới góc nhìn của các nhà chuyên môn, nhà giáo và doanh nghiệp có nhận xét và đánh giá cao về  Bản dự thảo rất chi tiết, cụ thể từng đơn vị năng lực của nghề từ cấp bậc thấp đến bậc cao, trong từng phiếu phân tích công việc quy định rõ kiến thức chuyên môn, năng lực thực hành và khả năng ứng dụng kiến thức, năng lực đó vào công việc mà người lao động cần phải có để thực hiện công việc theo từng bậc trình độ kỹ năng của từng nghề. Như vậy sau quy trình lấy ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp, ban biên tập tiếp thu chỉnh sửa và gửi về Tổng cục GDNN ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.

P.Hiệu Trưởng - Mai Thị Huệ

Mục đích của việc đánh giá kỹ năng nghề: Công nhận những kỹ năng nghề của người lao động đã tích lũy được trong quá trình học tập, làm việc và khuyến khích người lao động không ngừng nâng cao trình độ kỹ năng nghề của mình, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới. Phát hiện những thiếu hụt về kỹ năng nghề của người lao động so với tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đã được ban hành, từ đó đưa ra thông tin cho người lao động, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cơ sở dạy nghề để có biện pháp bổ sung những kỹ năng nghề còn thiếu hụt. Là căn cứ cho người sử dụng lao động khi tuyển dụng, bố trí công việc và trả lương phù hợp với bậc trình độ kỹ năng nghề mà người lao động đã đạt được. Nguyên  tắc  thực  hiện  đánh  giá, cấp  chứng  chỉ kỹ năng  nghề quốc gia. Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động có nhu cầu được thực hiện theo từng nghề và từng bậc trình độ kỹ năng đã được quy định trong tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của nghề đó. Việc đánh giá kỹ năng nghề của người lao động được thực hiện tại các Trung tâm Đánh giá kỹ năng. Người lao động tham dự kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia (sau đây gọi tắt là người dự thi) đạt yêu cầu ở bậc trình độ kỹ năng nghề nào thì được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở bậc trình độ kỹ năng đó.